Tin Tức

Tivi Online sẽ mở đầu cho trào lưu “xem có ý thức”?

Untitled-1.jpg

Tivi Online sẽ mở đầu cho trào lưu “xem có ý thức”?

ICTnews – Tính thời sự của chương trình giải trí trên Tivi, cộng thêm việc người dùng có sẵn thói quen trả tiền cho các dịch vụ truyền hình trả tiền, dễ kiểm soát các kênh “lậu”… là những lý do để nhiều người tin rằng nếu tiến thành thu phí thì Tivi Online sẽ dễ dàng hơn so với nhạc và phim bản quyền.

Từ “nghe có ý thức”…

Sau chương trình “Tọa đàm Nhạc số Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp” diễn ra sáng 15/8/2012, các website nghe nhạc lớn như Zing MP3, Nhaccuatui, Socbay, Nhac.vui… đã đồng ý việc sẽ đồng loạt thu phí tải nhạc với mức phí 1.000 đồng/bài từ 1/11/2012. Kể từ đó, việc khởi xướng “Nghe có ý thức” của nhóm nhạc sĩ Quốc Trung, Huy Tuấn đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận và báo chí.

Trong các buổi truyền hình trực tiếp của chương trình Bài hát Việt, Bài hát yêu thích, Vietnam Idol trên sóng đài truyền hình quốc gia, các nghệ sĩ, giám khảo, thí sinh, MC đã mặc những chiếc áo có in logo “Nghe có ý thức” làm cho chiến dịch này lan tỏa rộng rãi. Sau 5 tháng thu phí (từ 1/11/2012), tổng số tiền thu được từ tải nhạc bản quyền các ca khúc, album khoảng vài trăm triệu đồng, trong đó số tiền thu được tháng sau thường cao gấp rưỡi so với tháng trước đó. “Dù số tiền vẫn còn khiêm tốn nhưng mục tiêu của các đơn vị tham gia vào cuộc chơi thu phí tải nhạc bản quyền đều đã đạt được bởi vì năm nay tất cả đều xác định sẽ khai phá thị trường và không đặt nặng vấn đề doanh thu. Bên cạnh đó, phong trào “nghe nhạc có ý thức” của các ca sĩ, nhạc sĩ, việc tôn trọng và thu phí nhạc bản quyền đã trở thành câu chuyện chung của cộng đồng chứ không phải là câu chuyện của 1 website như năm 2008”, đại diện MV Corp cho biết.

Ngoài ra, cũng theo đại diện MV Corp và một số website nghe nhạc trực tuyến lớn, để thị trưởng nhạc số thực sự được dịch chuyển và thu phí nhạc trở thành câu chuyện đương nhiên, người dùng cũng hình thành thói quen trả phí thì phải chờ đến năm 2015.

…đến “Xem có ý thức”

Sau 10 tháng kể từ khi thông tin thu phí tải nhạc được công bố, những kết quả từ việc thu phí tải nhạc dù ít nhưng cũng cho thấy, đây là việc có thể thực hiện được và góp phần không nhỏ vào quá trình thay đổi nhận thức dần dần cho người dùng về việc “nghe có ý thức” – điều mà trước khi MV Corp quyết định làm thì vẫn là bài toán chưa có lời giải. Chưa dừng lại ở đó, việc thu phí nghe nhạc có bản quyền còn là bàn đạp rất tốt để dần dần hình thành phong trào “xem có ý thức” trong cộng đồng khi mà câu chuyện vi phạm bản quyền ở các lĩnh vực như phim, game show, Tivi… đang diễn ra tràn lan. Đây là lý do “cản trở” phát triển ứng dụng trên Internet băng rộng cũng như trên di động. Lý giải điều này, nhiều ý kiến cho rằng, một số ứng dụng có thể “hốt bạc” ở nước ngoài như dịch vụ Tivi Online (Hulu, Netflix, Amazon Prime…) nhưng tại Việt Nam do vấn đề bản quyền bị “bỏ ngỏ” nên người dùng dễ dàng xem miễn phí tại bất kì website nào. Cụ thể, người dùng có thể lên mạng và gõ từ khóa “xem Tivi Online” hay “xem Tivi trực tuyến” là có thể dễ dàng tìm cho mình một trang web hay một ứng dụng xem Tivi Online miễn phí.

Lãnh đạo một doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ, vào thời điểm hiện nay, nếu mua 100% bản quyền các nội dung như phim, gameshow để kinh doanh thì doanh nghiệp chắc chắn “thua” vì giá phim bản quyền rất cao, do đó số lãi nhờ kinh doanh phim chủ yếu đến từ phim lậu.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra, sau “nghe có ý thức” liệu sẽ có phong trào “xem có ý thức” hay không, khi mà các bộ phim online, Tivi Online, video clip… hiện nay đa phần đều miễn phí do đều không có bản quyền hoặc chấp nhận đầu tư để phát hành miễn phí nhằm mục đích quảng cáo do không thể thu phí. Như với phim bản quyền, do chi phí cho một bộ phim mới (tương tự như nhạc, việc thu phí chỉ hiệu quả với những bộ phim mới) rất cao nên nếu không có sự “đứng lên” của một hãng phân phối phim lớn như Galaxy… (có cả kênh phân phối từ rạp phim cho đến nội dung số) thì việc thu phí phim bản quyền rất khó thành hiện thực.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng,  khác với âm nhạc hay phim ảnh, xem truyền hình là hình thức thưởng thức nội dung trực tuyến (online) nên nếu mất yếu tố trực tuyến thì nhiều nội dung giải trí trên truyền hình như gameshow, bóng đá sẽ mất ngay yếu tố “thời sự” nóng hổi và không còn sức cuốn hút. Chưa kể, với các kênh Tivi, những nguồn tín hiệu gốc chỉ có thể xuất phát từ các đài truyền hình và máy chủ phát sóng bắt buộc phải đặt ở các nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu để bảo đảm băng thông nên nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, việc tìm ra nguồn phát tán lậu là khả thi. Hơn nữa, do người dùng đã hình thành thói quen trả tiền cho các dịch vụ truyền hình nên khâu thu phí sẽ thuận lợi hơn. “Đây là đặc điểm mà thu phí xem Tivi Online có cơ sở hơn các nội dung giải trí khác”, vị chuyên gia này cho biết thêm.

Trên cơ sở đó, đầu tháng 6/2013, ứng dụng xem truyền hình trên Internet VTV Plus, sản phẩm hợp tác giữa Truyền hình cáp Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông Mạng và dịch vụ (Medianet Corporation) sẽ chính thức thu phí các kênh truyền hình giải trí trong và ngoài nước như phim truyện, ca nhạc, thể thao mà trước đây chỉ có trên hệ thống truyền hình trả tiền. Đại diện VTV Plus cho biết, việc thu phí này của VTV Plus nằm trong lộ trình hợp tác với Truyền hình cáp Việt Nam bởi vì các nội dung này đều phải mua bản quyền hoặc có chi phí sản xuất nội dung rất lớn cũng như phải đầu tư rất mạnh cho vấn đề số hóa tín hiệu và server phát sóng. Ngoài VTV Plus, một số website khác như 123tv.vn (VatGia)… cũng tiến hành thu phí đối với những nội dung sản xuất độc quyền.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet nhận định rằng, khi chúng ta tăng cường tuyên truyền về thưởng thức nội dung giải trí có ý thức và các nhà cung cấp nội dung giải trí trên mạng áp dụng mạnh mẽ hơn các công cụ bảo vệ bản quyền thì lĩnh vực giải trí nào cũng có thể thu phí vì đây là nhu cầu thực tế rất lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, khi Việt Nam đang  có số lượng rất lớn người sử dụng điện thoại di động và sở hữu hạ tầng kết nối Internet rất tốt như hiện nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.